Khi thị trường ấm lên, nhiều nhà đầu tư bắt đầu tìm về các tỉnh như Hưng Yên, Hà Nam, Hải Dương, Bắc Ninh… để săn đất đấu giá.
Bắt đầu từ đầu năm 2025, thị trường bất động sản đã ấm dần, nhiều giao dịch, thậm chí giá cả đã tăng vọt. Không chỉ ở Hà Nội mà các tỉnh như Hưng Yên, Hà Nam, Hải Dương, Nam Định…, giá đất tăng, đặc biệt là đất đấu giá cũng nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư.
Mới đây tại Hưng Yên, UBND xã Dân Tiến (huyện Khoái Châu) tổ chức đấu giá quyền sử dụng 41 lô đất cho nhân dân làm nhà ở, tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng.
Các thửa đất có diện tích 74-133 m2/thửa với mức giá khởi điểm 25-48 triệu đồng/m2. Người tham gia cần nộp khoản tiền đặt trước là 380 triệu đồng đến hơn 1,2 tỉ đồng.
Kết quả, tất cả các lô đất đều được đấu giá thành công. Trong đó, lô đất có giá trúng cao nhất đạt hơn 158 triệu đồng/m2, gấp gần 3,3 lần khởi điểm.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV Lao Động, sau phiên đấu giá, nhiều lô đất đã được các sàn bất động sản chào bán chênh với giá từ 500 triệu đồng đến hơn 1 tỉ đồng/lô tùy vị trí.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Mai (39 tuổi, một nhà đầu tư tại Hà Nội) chia sẻ, giá nhà đất tại Hà Nội hiện quá cao, muốn đầu tư cần vốn lớn và phải chấp nhận rủi ro, khó đạt lợi nhuận cao. Chính vì vậy, chị Mai cùng nhóm đầu tư của mình quyết định về các địa phương "săn đất" tại các khu đã đấu giá thành công.
“Trước việc chuẩn bị sắp xếp địa giới hành chính các địa phương, nhóm chúng tôi bắt đầu đi săn lùng những lô đất đã trúng đấu giá đẹp gom hàng. Khi ổn định việc sắp xếp địa giới hành chính, giá đất khả năng sẽ còn tăng lên” - chị Mai nói.
Chia sẻ về sự dịch chuyển này, ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội - cho rằng, thị trường bất động sản tại Hà Nội sẽ ngày càng khốc liệt với các nhà đầu tư và chỉ dành cho các nhà đầu tư "tay to", có ngân sách đầu tư lớn.
“Các nhà đầu tư ngân sách nhỏ hơn sẽ tìm cách dịch chuyển sớm ra các tỉnh thành khác, vùng đất khác. Vì vậy, sớm muộn, dòng tiền sẽ chạy ra ngoài Hà Nội. Đây cũng là điều đã xảy ra tương tự ở các chu kỳ bất động sản trước đó” - ông Điệp phân tích.
Cũng theo ông Điệp, sự dịch chuyển của dòng tiền sẽ giúp các dự án bất động sản ở địa phương khác thi công, hoàn thiện, tạo cơ sở hạ tầng cho các vùng đất mới, qua đó giúp kinh tế địa phương phát triển.
Chia sẻ với PV, ông Nguyễn Quang Huy, Khoa Tài chính - Ngân hàng trường Đại học Nguyễn Trãi (NTU), cho rằng giá bất động sản Hà Nội leo thang đã khiến nhiều nhà đầu tư và người mua chuyển hướng tìm kiếm cơ hội tại các tỉnh lân cận như Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định, Thái Bình.
Đây là những khu vực đang có sự phát triển mạnh mẽ về công nghiệp, dịch vụ, du lịch cùng hệ thống hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ và hiện đại.
Với mức giá còn hợp lý, các tỉnh lân cận này không chỉ thu hút nhà đầu tư mà còn tạo điều kiện để người dân ổn định cuộc sống và làm việc ngay tại địa phương, thay vì phải chịu áp lực chi phí sinh hoạt cao ở Hà Nội.
Điều này cũng góp phần hình thành các đô thị vệ tinh, tạo ra một xu hướng sống và làm việc mới: Người dân không còn quá phụ thuộc vào Hà Nội, mà có thể an cư lạc nghiệp ở những nơi có điều kiện sống tốt và tiềm năng phát triển nghề nghiệp tương đương.
Tuy nhiên, theo ông Huy, dù có nhiều tiềm năng nhưng khi đầu tư vào khu vực này, các nhà đầu tư cần lưu ý tìm hiểu về hạ tầng, quy hoạch và các khía cạnh pháp lý của địa phương. Hạ tầng đồng bộ và quy hoạch ổn định sẽ giúp đảm bảo giá trị bất động sản tăng trưởng bền vững.
Nguồn: Báo Lao Động