Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 52/NQ-CP, ngày 18/3/2025 về việc phê duyệt Nhiệm vụ lập Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo Nghị quyết, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ
2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được thực hiện trên phạm vi toàn bộ
diện tích đất tự nhiên của cả nước.
Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm
nhìn đến năm 2050 bảo đảm các mục tiêu: Phân bổ hợp lý, tiết kiệm, hiệu
quả nguồn lực đất đai đáp ứng các yêu cầu tăng trưởng liên tục đạt hai
con số, bảo đảm quốc phòng, an ninh, gắn với bảo vệ môi trường, thích
ứng với biến đổi khí hậu; tạo nền tảng để đến năm 2045 nước ta trở thành
nước phát triển, thu nhập cao.
Đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước, trong đó ưu tiên
cho việc phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, công nghiệp, dịch
vụ, phát triển đô thị, duy trì hợp lý diện tích đất trồng lúa đảm bảo an
ninh lương thực quốc gia, chuyển đổi linh hoạt diện tích đất có hiệu
quả thấp; đảm bảo diện tích đất các loại rừng, tỷ lệ che phủ rừng, hệ
sinh thái tự nhiên, phòng, chống thiên tai…
Sử dụng đất tiết kiệm và có hiệu quả
Nghị quyết nêu rõ, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời
kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải bảo đảm các nguyên tắc phù hợp
với bối cảnh tình hình mới và các quan điểm, chủ trương, chính sách của
Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc
hội, nhất là các chủ trương, chính sách đột phá về phát triển kinh tế-xã
hội, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ; phát triển khoa học,
công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số gắn với việc sắp xếp các
đơn vị hành chính để dự báo, xác định nhu cầu sử dụng đất…
|
Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm
nhìn đến năm 2050 tập trung: Điều tra, thu thập thông tin, tài liệu;
phân tích đánh giá bổ sung các yếu tố, điều kiện tự nhiên, nguồn lực,
bối cảnh trực tiếp tác động và thực trạng sử dụng đất của các ngành,
lĩnh vực; tổng hợp, phân tích kết quả đánh giá chất lượng đất, tiềm
năng đất đai, ô nhiễm đất, thoái hóa đất của cả nước và các vùng
kinh tế-xã hội. Rà soát, cập nhật bối cảnh trong nước, quốc tế; tổng hợp
nhu cầu sử dụng đất, cân đối để xác định các chỉ tiêu sử dụng đất trong
nhóm đất nông nghiệp (phân tích, dự báo, xác định diện tích đất trồng
lúa bảo đảm yêu cầu về an ninh lương thực quốc gia, có tính đến xuất
khẩu, khoanh định vùng chuyên canh trồng lúa; xác định diện tích đất các
loại rừng bảo đảm tỷ lệ che phủ, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên
tai…
Đồng thời đánh giá môi trường chiến lược của Điều chỉnh quy hoạch
sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Xây dựng
dữ liệu Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm
nhìn đến năm 2050…
Tiếp cận hai chiều, liên vùng, đa lĩnh vực
Về phương pháp thực hiện, Nghị quyết nêu rõ, điều chỉnh quy hoạch
sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được triển
khai theo phương pháp tiếp cận hai chiều (vĩ mô và vi mô), liên vùng,
đa lĩnh vực, đa ngành, hệ thống, kế thừa với sự tham gia của các bộ,
ngành, địa phương và các chuyên gia; các đối tượng của điều chỉnh quy
hoạch đến năm 2030 được đặt trong mối quan hệ tổng hợp đa ngành, đa lĩnh
vực của nhiều yếu tố tác động đến việc sử dụng đất.
Trong quá trình lập Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời
kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sử dụng các phương pháp chủ yếu sau:
Phương pháp điều tra thu thập khảo sát, khoanh vẽ bản đồ và đối soát
thực địa; phương pháp GIS trong chồng xếp bản đồ; phương pháp tổng hợp,
phân tích và xử lý số liệu; phương pháp phân tích định tính và định
lượng; phương pháp kết hợp phân tích vĩ mô và vi mô; phương pháp chuyên
gia…
Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Môi trường thực hiện vai trò chủ
đầu tư lập Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030,
tầm nhìn đến năm 2050 theo trình tự, thủ tục rút gọn và chịu trách nhiệm
theo quy định của pháp luật hiện hành.
Các bộ, ngành có trách nhiệm phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Môi
trường trong việc cung cấp thông tin, tài liệu, số liệu, bản đồ; chiến
lược, quy hoạch phát triển của ngành có liên quan đến Điều chỉnh quy
hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (bao
gồm cả dự thảo). Báo cáo tình hình quản lý, sử dụng đất; hiện trạng,
biến động và kết quả thực hiện kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2025;
đề xuất nhu cầu sử dụng đất đến năm 2030 và danh mục các công trình, dự
án trọng điểm có sử dụng đất trong phạm vi quản lý.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm phối
hợp với Bộ Nông nghiệp và Môi trường trong việc cung cấp các thông tin,
tài liệu, số liệu của địa phương có liên quan đến lập Điều chỉnh quy
hoạch sử dụng đất quốc gia. Báo cáo tình hình quản lý, sử dụng đất; hiện
trạng, biến động và kết quả thực hiện kế hoạch sử dụng đất giai đoạn
2021-2025; đề xuất nhu cầu sử dụng đất đến năm 2030 và danh mục các công
trình, dự án trọng điểm có sử dụng đất.
Nguồn: BaoQuangBinh - Theo TTXVN/Báo Tin tức